Với bề dày truyền thống cách mạng, cảnh sắc thiên nhiên nguyên sơ và bản sắc văn hóa dân tộc đặc sắc, huyện Chợ Đồn (tỉnh Bắc Kạn) đang dần khẳng định vị thế là một điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch vùng Đông Bắc.
Nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Bắc Kạn, Chợ Đồn là mảnh đất linh thiêng, nơi từng là một phần quan trọng của An toàn khu Việt Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Nơi đây lưu giữ nhiều di tích lịch sử cấp quốc gia gắn với tên tuổi các vị lãnh tụ và những sự kiện trọng đại.
Đặc biệt, khu di tích Nà Pậu (xã Lương Bằng) nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng sống và làm việc đầu năm 1951 vẫn còn được gìn giữ nguyên vẹn và là điểm đến thiêng liêng cho bao thế hệ người Việt. Ngoài ra, các địa danh như Khuổi Linh (xã Nghĩa Tá), Đồi Khau Mạ, Bản Ca, Nà Quân… cũng là những địa chỉ đỏ gắn liền với hoạt động cách mạng, là nơi các nhà lãnh đạo như đồng chí Trường Chinh từng công tác, để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử dân tộc.

Toàn cảnh Thị trấn Bằng Lũng huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn.
Ngoài những địa danh gắn liền với kháng chiến, Chợ Đồn còn có các điểm sinh hoạt tín ngưỡng mang đậm bản sắc văn hóa dân gian. Nổi bật là Đền Tiên Sơn (thôn Hợp Tiến) và Đền Phja Khao (thôn Phja Khao), đều thuộc xã Bản Thi – những điểm đến tâm linh quan trọng của người dân địa phương.
Từ những di tích lịch sử gắn liền với kháng chiến đến các lễ hội đậm đà bản sắc và sản vật địa phương độc đáo, Chợ Đồn là nơi lý tưởng cho hành trình khám phá văn hóa, nghỉ dưỡng và trải nghiệm thiên nhiên.
Đây không chỉ là nơi gửi gắm niềm tin, cầu sức khỏe, bình an, tài lộc trong các dịp lễ Tết mà còn là không gian văn hóa cộng đồng gắn bó với đời sống tinh thần của cư dân bản địa. Những năm gần đây, lượng khách đến vãn cảnh, hành hương ngày càng đông, và Ban quản lý di tích xã Bản Thi luôn chủ động chuẩn bị chu đáo để đón tiếp, tạo cảm giác an toàn, thân thiện cho du khách gần xa.

Du khách thăm Di tích lịch sử cấp Quốc gia Đồi Nà Pậu, nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đầu năm 1951.
Không chỉ nổi bật về lịch sử, Chợ Đồn còn là vùng đất của những sắc màu văn hóa đa dạng. Là nơi cộng cư của nhiều dân tộc như Tày, Nùng, Dao, Mông…, Chợ Đồn gìn giữ kho tàng văn hóa truyền thống phong phú. Du khách đến đây có thể được hòa mình trong những làn điệu hát then, đàn tính mượt mà của người Tày, chiêm ngưỡng các nghi lễ đặc sắc như lễ cấp sắc của người Dao, hay tham gia vào những trò chơi dân gian truyền thống như ném còn, kéo co, đi cà kheo…
Những hoạt động văn hóa đặc sắc này thường được tổ chức trong các dịp lễ hội, đặc biệt là Tuần Văn hóa – Du lịch Bắc Kạn, thu hút sự tham gia đông đảo của người dân và du khách.

Sản phẩm dệt thủ công của địa phương giới thiệu tới du khách tại các khu du lịch cộng đồng.
Thiên nhiên cũng là một món quà tuyệt vời mà Chợ Đồn được ban tặng. Cảnh quan nơi đây mang nét đẹp hoang sơ, trong lành với rừng núi hùng vĩ, suối thác róc rách và khí hậu mát mẻ quanh năm. Một số điểm đến tiêu biểu có thể kể đến như khu di tích lịch sử Nà Pậu, đồi Khau Mạ, Bản Ca… với tầm nhìn bao quát núi rừng Đông Bắc, hay khu du lịch cộng đồng Cọn Poỏng (xã Nam Cường), Bản Cuôn (Ngọc Phái)…, nơi du khách có thể tự tay thu hoạch nông sản và trải nghiệm hoạt động nông nghiệp gắn với du lịch.

Tung còn (Ném còn) – trò chơi hội xuân mang đậm bản sắc dân tộc Tày Chợ Đồn.
Đến với Chợ Đồn, du khách còn có cơ hội thưởng thức và mang về những đặc sản mang đậm hương vị núi rừng. Trong đó nổi bật là chè Shan tuyết cổ thụ của xã Bằng Phúc loại chè quý với hương vị đậm đà, tinh tế; rượu men lá truyền thống được chưng cất từ hơn 20 loại lá rừng; măng khô, hồng sấy dẻo, gạo nếp nương những sản vật gắn với đời sống của đồng bào và mang hồn cốt của núi rừng Đông Bắc.

Ông Đặng Quản Vượng (mũ đen) người Dao đỏ Bản Cuôn (Ngọc Phái) đang giới thiệu về văn hoá và bản sắc của địa phương cho du khách.
Nhận thức rõ tiềm năng to lớn từ du lịch văn hóa sinh thái, huyện Chợ Đồn đã triển khai Đề án 2950 về quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích, di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2020–2025, tầm nhìn đến năm 2030. Các nội dung trọng tâm của đề án bao gồm việc tôn tạo, bảo vệ di tích lịch sử; phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng; đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du khách và đẩy mạnh hoạt động truyền thông quảng bá hình ảnh Chợ Đồn đến với cộng đồng trong nước và quốc tế.

Các HTX trên địa bàn huyện Chợ Đồn tích cực quảng bá sản phẩm OCOP.
Chợ Đồn hôm nay vừa giữ được cốt cách truyền thống, vừa đang từng bước thay đổi mạnh mẽ để trở thành điểm đến mới cho những người yêu thiên nhiên, yêu lịch sử và khao khát khám phá những vùng đất nguyên sơ của Tổ quốc. Đó không chỉ là một vùng quê yên bình, mà còn là nơi hội tụ giữa lịch sử hào hùng, văn hóa đậm đà và cảnh sắc nên thơ một viên ngọc xanh giữa lòng Đông Bắc Việt Nam.
Tags