Chuyện những người từng vinh dự được gặp Bác Hồ

Thứ Năm, 15/05/2025 19:06 GMT+7

Google News

Trong ký ức của những người từng vinh dự được gặp Bác Hồ, mỗi khoảnh khắc, mỗi ánh nhìn, mỗi câu nói của Người là những ký ức đặc biệt của cuộc đời mà mỗi lần nhớ lại không khỏi bồi hồi xúc động. 

Những ký ức đó đã trở thành động lực, niềm tin, lẽ sống soi sáng suốt cuộc đời của cựu thanh niên xung phong hay cựu phóng viên đã ở tuổi "xưa nay hiếm".

Ký ức 2 lần được gặp Bác Hồ

Trong ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Lân (81 tuổi) ở phường Bến Thủy, thành phố Vinh, bức ảnh Bác Hồ chụp lưu niệm với Đoàn đại biểu Quân khu 4 được đặt ở vị trí trang trọng. Có khách đến thăm, bà thường giới thiệu mình là người đứng hàng đầu, vị trí ngoài cùng bên trái. Hàng ngày, bức ảnh ấy như nhắc nhớ bà Lân phải sống tốt hơn, răn dạy các con, cháu học tập và làm theo Bác.

Năm 1965, Nguyễn Thị Lân, cô gái quê Đức Thọ (Hà Tĩnh) tham gia lực lượng Thanh niên xung phong, vào miền Tây Quảng Trị gùi lương, tải đạn, san lấp hố bom phục vụ chiến trường. Sau hai năm ở Trường Sơn, bà Lân được điều ra làm Đại đội trưởng Đại đội 557 nhiệm vụ tại ngã ba Đồng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh), một trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ ở miền Bắc. Cuối năm 1967, do có thành tích xuất sắc, nữ thanh niên xung phong Nguyễn Thị Lân được ra Hà Nội gặp Bác Hồ.

Chuyện những người từng vinh dự được gặp Bác Hồ - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Lân (đứng ngoài cùng, bên trái) trong bức ảnh Bác Hồ chụp lưu niệm với Đoàn đại biểu Quân khu 4. Ảnh tư liệu: Bích Huệ - TTXVN

"Lần ấy, đoàn có gần 200 người là đoàn viên ưu tú, cán bộ xuất sắc nên Bác không thể gặp từng người, chỉ đứng vẫy tay, nở nụ cười ấm áp và thân ái thay cho lời chào. Lúc ra về, chúng tôi đều nuối tiếc vì chưa được được nói chuyện với Người", bà Lân bày tỏ.

Thực hiện nhiệm vụ tại ngã ba Đồng Lộc, Đại đội trưởng Nguyễn Thị Lân không quản ngại gian khổ, hy sinh và lập được nhiều chiến công. Thân hình nhỏ nhắn nhưng vô cùng gan dạ, nữ Đại đội trưởng ấy luôn sẵn sàng xông ra mặt đường để những chuyến xe đi qua được an toàn. Những thành tích của bà góp phần giúp Đại đội 557 được phong tặng Huân chương Độc lập.

Đầu năm 1969, Quân khu 4 tổ chức Đại hội Quyết thắng tại huyện Tân Kỳ (Nghệ An), bà Nguyễn Thị Lân đại diện cho lực lượng thanh niên xung phong tham dự. Một lần nữa, bà lại vinh dự có mặt trong đoàn đại biểu 23 người đại diện đồng hương Quân khu IV ra Hà Nội gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tháng 6/1969 ở Phủ Chủ tịch.

Chuyện những người từng vinh dự được gặp Bác Hồ - Ảnh 2.

Mỗi lần nhớ về kỷ niệm gặp Bác Hồ, bà Nguyễn Thị Lân không khỏi xúc động. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Bà bồi hồi nhớ lại, khi đoàn đặt chân vào Phủ Chủ tịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp mở cửa, Bác Hồ bước ra, tất cả cùng ùa vào ôm lấy Bác như con cháu đi xa lâu ngày trở về. Bác nắm lấy tay từng người và hỏi han như được đón các cháu ruột thịt sau bao năm xa cách. Giọng nói ôn tồn, cử chỉ thân mật của Bác khiến mọi người đều rưng rưng xúc động, nghẹn ngào… Lần lượt hỏi chuyện hết 7 người, Bác bảo Đại tướng Võ Nguyên Giáp lấy Huy hiệu của Bác để trao cho các thành viên trong đoàn. Lúc này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo với Bác đã hết giờ tiếp khách, mời Bác về nghỉ để giữ sức khỏe.

Bác nói rằng, ngày mai Bác sẽ nhận khuyết điểm trước Bộ Chính trị (vì không thực hiện đúng nội quy), nhưng đây là một dịp rất hiếm đối với Bác, cho Bác một ít thời gian nữa để Bác gặp Đoàn đại biểu đồng hương Quân khu 4 thêm một lúc. Sau câu nói ấy của Bác, tất cả thành viên trong đoàn đều rất xúc động, cùng lấy khăn lau những dòng nước mắt chảy tràn trên khuôn mặt, rồi cùng chụp ảnh lưu niệm với Bác.

Chuyện những người từng vinh dự được gặp Bác Hồ - Ảnh 3.

Bà Lân xem lại tấm ảnh kỷ niệm chụp chung với Bác Hồ. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Sau Hiệp định Paris, bà Nguyễn Thị Lân xuất ngũ, chuyển ngành làm cán bộ Công ty Sông biển Nghệ Tĩnh, lập gia đình và sinh sống tại thành phố Vinh. Bà chia sẻ: "Cuộc đời có bao nhiêu niềm vui, nỗi buồn nhưng giây phút được gặp Bác Hồ là những khoảnh khắc tôi không thể nào quên. Bác như một người Cha đi lâu ngày về gặp con chứ không phải là một vị lãnh tụ, rất ấm áp và thân tình, quan tâm hỏi han từng đứa con".

Đã gần 60 năm trôi qua nhưng giây phút ấy, kỷ niệm ấy dường như còn ngưng đọng, lưu giữ trong tâm trí nữ thanh niên xung phong năm nào. "Lời nói ấm áp, ánh mắt yêu thương, cử chỉ thân mật của Người đã thôi thúc tôi phải sống tốt, sống vui, sống khỏe, làm nhiều việc có ích cho Đảng, Nhà nước...", bà Lân tâm niệm.

Chuyện những người từng vinh dự được gặp Bác Hồ - Ảnh 4.

Cựu thanh niên xung phong Nguyễn Thị Lân kể về hai lần gặp gỡ Bác Hồ. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Chuyến tác nghiệp đặc biệt

Với ông Phan Duy Hương, 85 tuổi, ở xã Hưng Lộc, thành phố Vinh lần được giao tác nghiệp khi Bác Hồ về thăm Nông trường Sông Hiếu năm 1961 là vinh dự đặc biệt trong đời làm báo.

"Tôi nhớ đó là sáng 10/12/1961, lãnh đạo Báo Nhân dân Nghệ An (tiền thân Báo Nghệ An) phân công tôi lên Nông trường Sông Hiếu (huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) đưa tin Bác Hồ về thăm. "Tôi vô cùng bất ngờ vì mình chỉ vào nghề hơn 1 năm, rất vui sướng vì có cơ hội được gặp Bác. Đó là vinh dự không phải ai cũng có được. Rồi sau đó là cảm giác hồi hộp, lo lắng phải làm thế nào để hoàn thành trọng trách cơ quan giao phó. Tất cả mọi cảm xúc lẫn lộn đan xen khó tả vô cùng…", nhà báo Phan Duy Hương nhớ lại.

Chuyện những người từng vinh dự được gặp Bác Hồ - Ảnh 5.

Cựu phóng viên Phan Duy Hương kể lại kỷ niệm được gặp Bác Hồ. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Khi trực thăng hạ cánh, Bác bước xuống, dáng người cao ráo, bước đi nhanh nhẹn, đi thẳng lên thăm đồi cà phê. Vừa thăm hỏi bà con, Bác vừa hỏi han về mật độ, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cà phê. Phóng viên Phan Duy Hương vội vàng nối gót theo Bác, cố gắng ghi chép lại tất cả những gì nghe và thấy được. "Khi lên đồi cà phê, nhìn thấy một cháu nhỏ chừng 2 - 3 tuổi theo mẹ lên rẫy, Bác tiến lại gần âu yếm, cười hiền từ. Lúc đó, tôi cảm nhận Bác là người giản dị, tình cảm, những lo lắng cũng vơi bớt và tự tin hơn trong tác nghiệp", ông Hương hồi tưởng lại.

Trên đường quay lại khu vực tổ chức mít tinh, Bác ghé vào một lán công nhân kiểm tra nơi ăn chốn ở. Khu vực mít tinh chỉ dựng bằng tre, bà con nhân dân, công nhân nông trường đứng quây quần, Bác thăm hỏi thân tình, gần gũi…

Chuyện những người từng vinh dự được gặp Bác Hồ - Ảnh 6.

Ông Phan Duy Hương kể lại kỷ niệm tác nghiệp khi Bác Hồ về thăm Nông trường Sông Hiếu năm 1961. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Trước lúc chia tay, Bác đi một vòng chào bà con, dặn mọi người: "Các cô chú và các cháu tránh xa máy bay kẻo cánh quạt quay sẽ tung bụi". "Những hình ảnh, lời nói của Bác khắc sâu vào tâm trí tôi. Không chỉ là vinh dự được trực tiếp gặp mặt, tác nghiệp về lần Người về thăm quê, mà còn giúp tôi học được từ Bác phẩm chất đạo đức, ứng xử tình cảm với nhân dân, phong cách làm việc…", cựu nhà báo Phan Duy Hương nói.

Cũng chính tại lần tác nghiệp đặc biệt này, ông Hương đã có cho mình bức ảnh quý giá với Bác Hồ - một vinh dự, may mắn đặc biệt mà nghề báo đã đem lại cho ông.

Sau chuyến công tác, phóng viên Phan Duy Hương đã hoàn thành bài viết về chuyến đi thăm Nông trường Sông Hiếu của Bác Hồ. Bài viết có hình ảnh, lời căn dặn của Bác đối với bà con huyện Nghĩa Đàn, công nhân nông trường nói riêng, trở thành quyết tâm chính trị của Đảng bộ và nhân dân Nghệ An trong thi đua lao động xây dựng quê hương. Trước khi đăng tải, bài báo còn được Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Võ Thúc Đồng đọc, chỉnh sửa từng câu chữ.

Chuyện những người từng vinh dự được gặp Bác Hồ - Ảnh 7.

Những tác phẩm của ông Hương về lần Bác Hồ thăm địa phương. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

"Đó cũng là bài báo lớn trong đời phóng viên, để lại cho bản thân kinh nghiệm quý báu và sự trưởng thành trong nghề. Khi đăng tải, bài báo có sức lan tỏa rất lớn. Tôi hoàn thành nhiệm vụ quan trọng cơ quan giao phó, có sự tự tin để sau này tác nghiệp, viết bài về các sự kiện, vấn đề quan trọng khác với sự cẩn trọng, chính xác, khách quan…", nhà báo Phan Duy Hương tâm sự.

Sau khi nghỉ công tác báo chí, ông Phan Duy Hương chuyển sang làm việc tại Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Nghệ An. Ông sáng tác nhiều thơ ca, đặc biệt là thơ thiếu nhi, trong đó có bài "Chú ở bên Bác Hồ" được đưa vào sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 3.

Cả cuộc đời, sự nghiệp của mình ông Hương đều phấn đấu học tập theo gương Bác Hồ. "Nghề báo bây giờ khác trước nhiều lắm, mọi phương tiện tác nghiệp thuận lợi và hiện đại hơn. Nhưng cái cốt lõi nhất vẫn không thay đổi đó là tính trung thực, chính xác, khách quan và cái tâm, giữ bút sắc – lòng trong của người cầm bút", cựu nhà báo Phan Duy Hương nhắn nhủ.

"Bức ảnh đen trắng được đồng nghiệp ghi lại là món quà bất ngờ đối với tôi gần 30 năm sau chuyến tác nghiệp đặc biệt năm 1961. Tất cả kỷ vật, ký ức về Bác là món quà vô giá, để trong quá trình sống, làm việc tôi chia sẻ lại cho thế hệ đồng nghiệp, con cháu sau này", cựu nhà báo Phan Duy Hương chia sẻ.

Bích Huệ/TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›