Trong sự kiện "Hành trình trở về: Nhật ký Đặng Thùy Trâm" tại Hà Nội, ông Ted Engelmann - nhiếp ảnh gia kiêm cựu binh Mỹ - đã mang tới cho khán giả nhiều thông tin xoay quanh hành trình đầy cảm xúc về sự trở về của cuốn nhật ký từng là hiện tượng xuất bản tại Việt Nam.
Cựu binh Mỹ Ted Engelmann kể lại hành trình đưa “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” về Việt Nam
Hành trình đưa "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" về Việt Nam
20 năm trước, cuộc gặp gỡ tình cờ giữa nhiếp ảnh gia kiêm cựu binh Mỹ Ted Engelmann với hai anh em Fred và Rob Whitehurst tại một hội thảo về chiến tranh Việt Nam đã mở đầu cho hành trình đưa cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm trở về với gia đình của tác giả.
Sau khi nhận đĩa CD bản scan Trung tâm Lưu trữ của Đại học Texas Tech, Ted Engelmann bắt đầu hành trình đến Hà Nội và trao trả lại cuốn nhật ký cho gia đình liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm.
Nhiếp ảnh gia Mỹ Ted Engelmann: Khâu đầu tiên phải tìm được một người Việt Nam đọc được toàn bộ cuốn nhật ký và dựa vào thông tin đó xác định được bệnh viện mà chị Trâm từng làm việc, hay là thông tin về gia đình... Rất tình cờ tôi tìm được một người sống ngay đường Đội Cấn nơi gia đình chị Trâm từng sống. Đôi khi có những tình tiết "nổi da gà", có những sự tình cờ, duyên run rủi làm cho những người cần đến với nhau lại đến với được với nhau.
Tháng 7 năm 2005, Nhật ký Đặng Thùy Trâm được xuất bản bằng tiếng Việt, nhanh chóng trở thành hiện tượng xuất bản và một biểu tượng sâu sắc của hòa giải sau chiến tranh. 20 năm, cuốn sách tiếp tục khơi mở những đối thoại liên thế hệ, đánh thức sự thấu cảm với những mất mát cả hữu hình lẫn vô hình của chiến tranh.
Nhiếp ảnh gia Mỹ Ted Engelmann: Có nhiều điều trong cuốn nhật ký khiến tôi xúc động. Đây là tác phẩm không chỉ vượt qua ranh giới Việt Nam và Mỹ, hay ranh giới chính trị và văn hóa, mà nó có thể vượt qua ranh giới các không gian và thời gian khác nhau. Bởi nó đến từ một người có phẩm chất cá nhân rất đặc biệt, một nữ bác sĩ, người nhìn thấy nhiều điều mà người khác trong bối cảnh chiến tranh họ không thấy. Đó lại là một phụ nữ rất thông minh, khả năng thấu cảm cao và nhạy cảm. Những gì chị viết có thể chạm đến cảm xúc nhiều người qua thời gian và không gian khác nhau.
Bà Đặng Kim Trâm, em gái Liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm: Có gì đó như biểu tượng của sự hàn gắn. Và anh Ted cũng là người tham gia trong tiến trình đấy. Tôi nghĩ rằng nếu các bạn trẻ gặp được người như thế cũng rất có ý nghĩa, các bạn có thể biết con người thật, người ta nghĩ gì khi người ta làm như vậy.
Chị Phạm Thị Hải Yến, Ba Đình, Hà Nội: Có một sự thôi thúc khiến mình đi tìm hiểu góc nhìn của những người trong cuộc thế nên hôm nay mình tới đây mình tìm hiểu, một là qua góc nhìn của một người Mỹ, hai là góc nhìn của một người bác sĩ trong cuộc chiến của dân tộc.
Ông Ted Engelmann chia sẻ, sau 20 năm trao trả, cuốn nhật ký được nhiều người đón đọc, ông cho rằng mình đã hoàn thành sứ mệnh.
Nhật ký Đặng Thùy được dịch ra hàng chục thứ tiếng trên thế giới, và bản tiếng Anh đã được phát hành rộng rãi toàn cầu với tựa đề "Đêm qua tôi mơ thấy hòa bình"../.