Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025: Phật giáo luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc

Chủ nhật, 04/05/2025 07:53 GMT+7

Google News

Trong suốt chiều dài lịch sử, Phật giáo luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc Việt Nam, luôn tỏ rõ phương châm nhập thế, gắn bó giữa Đạo và Đời, phấn đấu vì mục tiêu độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc, an vui cho con người. 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Phật giáo Việt Nam luôn luôn gắn bó với dân tộc trong mọi cuộc thăng trầm của đất nước".

* Những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc

Lịch sử cho thấy, dân tộc và Phật giáo đã hòa quyện với nhau thành một khối thống nhất. Thời chiến, vua là bậc dũng tướng; khi đất nước thanh bình, vua có thể từ bỏ ngai vàng để đến với chốn thiền môn và sáng lập ra một tông phái Phật giáo của riêng người Việt, đó là Trúc Lâm Yên Tử - một dòng thiền hòa quyện giữa đời sống thế nhân với đời sống tâm linh sâu sắc, nhưng lại thể hiện rõ tinh thần “nhập thế” của Phật giáo.

Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025: Phật giáo luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc - Ảnh 1.

Hướng tới Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 được tổ chức tại Việt Nam, ngày 21/11/2024, tại Việt Nam Quốc tự (Thành phố Hồ Chí Minh), Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh khai mạc Khóa bồi dưỡng thiết kế truyền thông 2024 cho hơn 300 chư Tăng Ni, Phật tử, nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác truyền thông, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của đạo Phật đến với công chúng. Ảnh tư liệu: Xuân Khu-TTXVN

Với truyền thống “Hộ quốc, an dân”, trong các triều đại Đinh, Tiền Lê đến triều Lý, triều Trần, bên cạnh các vị minh quân luôn có các vị cao tăng phò vua giúp nước, nên Phật giáo luôn có một vai trò rất quan trọng trong việc “Hộ quốc, an dân”. Trong các cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước, nhiều người con Phật đã đồng hành cùng với đồng bào cả nước "cởi áo cà sa, khoác áo chiến bào" rời bỏ thiền môn lên đường tòng quân đánh giặc cứu nước; góp phần cùng cả dân tộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước. Lịch sử Việt Nam đã ghi nhận Thiền sư Không Lộ, Tuệ Tĩnh, Vạn Hạnh… đã hết lòng phò vua giúp nước. Đặc biệt, mãi ghi nhớ công lao của vị vua anh minh Trần Nhân Tông có công lớn lãnh đạo nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Khi đất nước thái bình, Người nhường ngôi, từ bỏ giàu sang, quyền quý, tìm nơi non cao Yên Tử để học Phật, tu hành, sáng lập nên Thiền phái Trúc Lâm - một dòng thiền riêng của Việt Nam tồn tại mãi tới ngày nay.

Phát huy truyền thống quý báu đó, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Phật giáo đã có những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc. Theo lời kêu gọi thiêng liêng của Đảng và Bác Hồ kính yêu, đã có hàng nghìn tăng ni, Phật tử trở thành những chiến sĩ yêu nước, sát cánh cùng toàn dân đánh giặc. Nhiều chùa, tịnh viện trở thành cơ sở cách mạng, nuôi giấu cán bộ.

  Trong niềm vui thống nhất “non sông liền một dải” của cả dân tộc, tăng, ni, phật tử cả nước ước nguyện xây dựng một Giáo hội Phật giáo chung trong cả nước nhằm gắn kết với nhau thành khối đoàn kết chặt chẽ trong khối đại đoàn kết dân tộc. Và Đại hội Đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam tổ chức từ ngày 4 đến 7/11/1981 tại chùa Quán Sứ, Thủ đô Hà Nội đã quy tụ 9 tổ chức Giáo hội, Hệ phái Phật giáo trong cả nước để thành lập ra Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Từ đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức đại diện cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước để thực hiện các hoạt động Phật sự theo hướng đi lên của thời đại.

* Phật giáo không ngừng giáo dục các giá trị đạo đức, văn hóa cho con người

Với những chuẩn mực đạo đức và giá trị văn hóa, Phật giáo Việt Nam đã và đang bền bỉ với nhiệm vụ xây dựng các giá trị đạo đức của con người, góp phần định hướng tư duy và điều chỉnh hành vi của cộng đồng, xã hội. Từ Trung ương Giáo hội đến giáo hội các tỉnh, thành phố, các chùa, tự viện, thiền viện… đã tổ chức nhiều khóa tu, trại hè, các hoạt động Phật pháp… dành cho thanh, thiếu niên; thông qua đó giáo dục thế hệ trẻ hiểu được lễ nghi, phải trái, hiếu thuận, sự biết ơn, đền ơn, báo ân, báo hiếu, có nếp sống lành mạnh, văn minh và có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội... Cùng với đó là thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo vệ an ninh trật tự xã hội, thực hiện tốt phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025: Phật giáo luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc - Ảnh 3.

Các nhà sư đang chiêm bái xá lợi Đức Phật. Ảnh: IBC cung cấp-TTXVN

Hoạt động nhân đạo, từ thiện, an sinh xã hội cũng được phát triển và mở rộng, góp phần cùng Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chăm lo cho người nghèo, người có công với đất nước… dưới nhiều hình thức như xây dựng nhà tình thương, nhà đại đoàn kết; mở các phòng khám từ thiện miễn phí; cứu trợ và giúp đỡ đồng bào vùng bị thiên tai, bão lũ... Đặc biệt, trong thời gian phòng, chống đại dịch COVID-19, các cấp Giáo hội đã chung tay góp sức cùng cả hệ thống chính trị và toàn xã hội góp phần đẩy lùi, dịch bệnh.

Cùng với các hoạt động trong nước, Phật giáo Việt Nam cũng nỗ lực mở rộng hoạt động giao lưu quốc tế trên tinh thần hòa bình, hữu nghị và đoàn kết với các tổ chức Phật giáo ở nhiều quốc gia và nhiều tôn giáo khác. Các hoạt động quốc tế ngày càng được mở rộng và phát triển đã góp phần giúp tăng cường trao đổi thông tin, hiểu biết lẫn nhau, mở rộng giao lưu, thể hiện tình đồng đạo của những người cùng chung đức tin và tinh thần yêu hòa bình, thiện chí hợp tác hữu nghị vì lợi ích và sự phát triển của đất nước và Phật giáo. Điển hình là việc Việt Nam tổ chức thành công 3 Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc vào các năm 2008, 2014, 2019 và đăng cai tổ chức cho Đại lễ Phật đản 2025. Đã có nhiều đoàn Giáo phẩm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tham dự hội thảo, hội nghị ở nước ngoài và Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã đón nhiều đoàn Phật giáo các nước đến thăm và làm việc tại Việt Nam, góp phần làm cho bạn bè thế giới hiểu rõ hơn về chính sách đối ngoại, phát triển kinh tế, văn hóa, pháp luật của Việt Nam về tôn giáo, đồng thời bác bỏ những luận điệu sai trái, xuyên tạc, vu cáo của các thế lực thiếu thiện chí với Việt Nam.

Phật giáo Việt Nam cũng đã hiện thực hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo, tín ngưỡng để khẳng định và phát huy các giá trị đạo đức, văn hóa, nguồn lực Phật giáo.

TTXVN

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›