Những gợi ý, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về giáo dục trẻ em đang được lan tỏa rộng rãi trên không gian mạng và nhận về sự quan tâm lớn của cộng đồng. Cụ thể, Tổng Bí thư chia sẻ về ước mong được thấy các em có điều kiện phát triển toàn diện trong giai đoạn hòa bình của đất nước. Ông nhắc tới một mục tiêu cụ thể, rằng các học sinh "học hết lớp 12 ít nhất phải biết chơi 1 loại nhạc cụ", tùy khả năng, năng khiếu.
Có thể thấy rõ: Chia sẻ của Tổng Bí thư Tô Lâm vừa là mong muốn của người đứng đầu Đảng ta về thế hệ tương lai, vừa cho thấy một nhận thức sâu sắc về nhu cầu phát triển toàn diện con người trong xã hội hiện đại.
Bởi, khi thế giới ngày càng coi trọng kỹ năng mềm, năng lực sáng tạo, khả năng cảm thụ nghệ thuật… thì rõ ràng việc khơi dậy tiềm năng ở từng trẻ em thông qua âm nhạc, hội họa, thể thao sẽ không còn là thứ "phụ", mà là một trong các nền tảng chính.
Giống như mong muốn mỗi học sinh "biết chơi một loại nhạc cụ" cũng không chỉ là câu chuyện của thẩm mỹ và nghệ thuật. Đó là ước vọng gắn với mô hình giáo dục hiện đại, khi trường học không chỉ là nơi dạy kiến thức mà còn dạy các em cách sống, cảm nhận về thế giới và tự hoàn thiện mình.
***
Đáng chú ý, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đưa ra một gợi ý quan trọng: Thay vì trông chờ bổ sung đội ngũ giáo viên cơ hữu cho những môn nghệ thuật, ngành giáo dục có thể mời các ca sĩ, nghệ sĩ, vận động viên, họa sĩ… để giảng dạy cho học sinh.
Gợi ý này có thể mở ra cách giải quyết một "điểm nghẽn" lớn hiện nay: Việc thiếu giáo viên dạy các môn năng khiếu trong trường học, nhất là tại các địa phương còn khó khăn. Để đào tạo ra số lượng giáo viên ấy, chắc chắn ngành giáo dục sẽ cần nhiều thời gian, với nguồn lực rất lớn.

Tranh minh hoạ: Internet
Trong bối cảnh đó, từ gợi ý của Tổng Bí thư, chúng ta có thể nghĩ tới những giải pháp linh hoạt và mang tính liên ngành để giải quyết vấn đề này.
Chẳng hạn, chúng ta thường nghĩ tới các nghệ sĩ, cầu thủ là những gương mặt "khó mời" với mức thù lao rất lớn. Nhưng trên thực tế, ngoài một số ngôi sao thường xuyên bận rộn, trên cả nước hiện vẫn có hàng ngàn nghệ sĩ, vận động viên, họa sĩ… đang hoạt động đều đặn mỗi ngày với sự đam mê. Có thể tin, không ít trong số những gương mặt này sẽ sẵn lòng tham gia giảng dạy nếu có điều kiện phù hợp. Bởi với họ, đây chính là cách kết nối với cộng đồng, để lại dấu ấn với thế hệ trẻ và thể hiện trách nhiệm xã hội của mình.
Về phía bộ phận quản lý, thay vì chỉ bận tậm với việc "trả lương" tương xứng cho các nghệ sĩ, những giải pháp tinh thần cũng cần được tính tới thông qua sự trân trọng, tôn vinh hoặc các danh hiệu. Bởi, đó là những phần thưởng không quy đổi thành vật chất nhưng lại có giá trị lâu dài và bền vững, khi chúng giúp các nghệ sĩ, vận động viên tạo thêm hiệu ứng và sức hút qua hình ảnh tích cực, gần gũi.
Tương tự, trong bối cảnh hiện tại, các hình thức hợp tác giảng dạy cũng có thể rất đa dạng: Những buổi chuyên đề, những tiết kỹ năng sống, những buổi hướng dẫn ngoại khóa… Không hẳn cần "giáo án cứng" hoặc chứng chỉ sư phạm, điểm nổi bật trong sự hợp tác này là nội dung phù hợp và sự chuẩn bị chu đáo từ phía nhà trường để đảm bảo sự sinh động, hữu ích.
Bởi ở đây, điều quan trọng có lẽ không phải dạy nhiều hoặc ít, mà là khơi gợi và gieo mầm cảm hứng cho các em. Dù không trở thành nhạc công, họa sĩ hoặc cầu thủ, việc một lần được nghệ sĩ cầm tay hướng dẫn chơi đàn, được vận động viên quốc gia dạy sút bóng hẳn sẽ khiến nhiều học sinh nhớ mãi - để từ đó nuôi dưỡng cảm xúc tích cực với những môn năng khiếu này.
***
Như thế, đằng sau mong muốn của Tổng Bí thư Tô Lâm về một thế hệ học sinh biết hát, biết vẽ, biết chơi nhạc cụ và thể thao lại là sự gợi mở về một mô hình giáo dục sống động hơn và bắt nhịp với thời đại.
Ở đó, cánh cửa trường học không chỉ dành cho mọi đối tượng trẻ em, mà còn mở rộng với mọi tầng lớp trong xã hội - những người có chuyên môn, có đam mê và sẵn lòng đóng góp cho giáo dục. Với những "cơ chế mềm" được thiết kế hợp lý, không rập khuôn theo lối cũ, những người muốn cống hiến cho việc giảng dạy sẽ có cơ hội được tham gia - và ngược lại, được xã hội ghi nhận một cách xứng đáng.
Khi điều đó thành hiện thực, việc giáo dục nghệ thuật và thể thao sẽ không còn là gánh nặng mà trở thành dòng chảy tự nhiên trong môi trường học đường - một dòng chảy được tiếp sức bởi những nguồn lực xã hội dồi dào vốn chưa được kết nối đúng cách.
Dĩ nhiên, đằng sau ước vọng và sự gợi mở ấy, nhiều bài toán sẽ cần lời giải, từ mô hình triển khai, khung pháp lý, đến cách phối hợp giữa các bên. Nhưng đó là lộ trình tất yếu, nếu chúng ta mong thế hệ trẻ em ngày nay được đầu tư toàn diện, không chỉ bằng sách vở, mà bằng âm nhạc, thể thao, nghệ thuật - những điều làm nên vẻ đẹp tâm hồn con người!
Tags