Nhân nghe thời sự Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân cùng đoàn cấp cao Việt Nam có chuyến thăm bốn nước: Cộng hòa Kazakhstan, Cộng hòa Azerbaijan, Liên bang Nga và Cộng hòa Belarus từ ngày 5-12/5/2025, tôi nhớ lại những kỷ niệm thân thương ở Thủ đô Baku (nước cộng hòa Azerbaijan) và cả bài viết tiểu luận Quốc tế "Thư gửi Nizami Ganjavi", tôi viết 4 năm trước nhân kỷ niệm 880 năm ngày sinh của nhà thơ vĩ đại Nizami Ganjavi (1141-2021).
Bức thư như sau:
Nhà thơ Nizami Ganjavy kính quý!
Khi viết bài tham gia viết tiểu luận Quốc tế "Thư gửi Nizami Ganjavi", tôi nhớ kỷ niệm xưa từng được đặt chân trên đường phố mang tên nhà thơ, nhà hiền triết vĩ đại Nizami Ganjavi ở trung tâm Thủ đô Baku của Azerbaijan.
Là thành viên của Trung tâm Khoa học – Lịch sử - Văn hóa Azerbaijan, tôi chờ đợi Hội thảo kỷ niệm 880 năm sinh nhà thơ Nizami Ganjavi - là đỉnh cao của thời kỳ Phục hưng phương Đông, là tinh hoa tư tưởng và nghệ thuật tươi sáng mang lý tưởng nhân đạo, nhân văn, chính trị, xã hội và đạo đức cao cả. Trước hội thảo, tôi có nỗi băn khoăn chưa có cơ hội tiếp cận tác phẩm của ông. Chạm mắt vào tư liệu cuộc đời và tác phẩm tiếng Anh (do Đại sứ quán Azerbaijan cung cấp), tôi vô cùng xúc động, trân trọng nhà thơ giàu nhân cách, tài hoa uyên bác đã tỏa sáng trên đất nước Azerbaijan thế kỷ XII. Tôi hiểu vì sao hậu thế sau 880 năm mãi khắc ghi.

Nizami Ganjavi (1141-1209)
Ngày 05/01/2021, Tổng thống nước Cộng hòa Azerbaijan - Ilham Aliyev ký tuyên bố "Năm 2021 là năm Nizami Ganjavi". Tên tuổi nhà thơ đã vượt biên giới đến với Việt Nam. Hội thảo "Di sản Nizami Ganjavy dưới góc nhìn của giới nghiên cứu Việt Nam" ngày 28/10/2021 tại Hà Nội đã góp phần lan tỏa ánh sáng Nizami, cũng như Năm Nasimi - 2019 kỷ niệm 650 năm sinh nhà thơ Imadeddin Nasimi (1369 – 2019). Thật tuyệt vời, Thơ và Tài năng luôn được tôn vinh ở đất nước Azerbaijan giàu đẹp, thân thiện giàu trầm tích văn hóa.
Thưa nhà hiền triết, nhà thơ đức độ!
Ilyas Yusif oglu là tên cha mẹ đặt, nhưng bút danh Nizami đã theo nhà thơ suốt cuộc đời. Yếu tố địa văn hóa, gia đình là điểm tựa quan trọng hình thành nhân cách, nuôi dưỡng tài năng. Nizami Ganjavi sinh năm 1141 trong một gia đình nghệ nhân thành đạt tại Ganja (nay là Azerbaijan). Nhà thơ được gia đình dạy dỗ, học hành chu đáo. Cha mất sớm, được mẹ và cậu Khwaja Umar nuôi dạy, cho học hành chu đáo. Có tư chất thông minh, nhà thơ đã tự học, tự nghiên cứu các ngành khoa học: toán học, thiên văn học, triết học, thần học, chiêm tinh học… Ngoài văn học Ba Tư, ông thông thạo văn học Ả Rập, tiếp cận với nhiều tác phẩm văn học nói và viết của vùng Cận Đông. Ông đã đưa những lý tưởng nhân văn cao cả và những thành tựu mới vào văn học của các quốc gia Cận Đông và mở ra một hướng đi mới trong văn học phương Đông.

Nhà thơ Nizami Ganjavi
Cuộc sống hôn nhân của Nizami rất lận đận. Nezami kết hôn ba lần. Cả ba người vợ đều bỏ ông đi trước. Người vợ nào ông đều rất mực yêu thương, tôn trọng dù người đó có hoàn cảnh xuất thân thế nào. Người vợ đầu của ông là Afal (Appag-White), là quà tặng của Darband, Seyfaddin Muzaffar - một lãnh chúa trong vùng dành cho Nizami khoảng năm 1169 – 1170. Người vợ hiền xuất thân từ cô gái nô lệ mà nhà thơ rất mực trân trọng, yêu quý. Việc kết hôn với một phụ nữ nô lệ cho thấy ông không bị trói buộc, chịu những rào cản đẳng cấp. Vượt qua mọi sự kỳ thị, ông trân trọng đón nhân tình yêu. Kết quả tình yêu của họ cậu con trai Muhammad ra đời năm 1174. Nhưng người vợ từng là cô gái nô lệ mất khi vừa viết xong "Khosrow và Shirin" đã làm ông đau đớn, hụt hẫng vô cùng. Nhà thơ không gục ngã. Sau đó, ông tái hôn hai lần, nhưng cả hai người vợ đều bỏ ông đi trước.

Yêu Ganja, Nizami chưa bao giờ rời khỏi Ganja. Ông sống đức độ, khiêm tốn, lương thiện, nhân ái, bằng lòng với những khoản phụ cấp nhỏ. Nizami là nhà thơ trọng nhân cách, ông từng từ chối đề nghị trở thành một nhà thơ của triều đình. Với ông, mục đích cao cả nhất là lao động sáng tạo.
Nizami mất năm1209, nhưng tên tuổi nhà thơ không bao giờ mất, bởi tư tưởng, tác phẩm của ông luôn tỏa sáng. Tên Nizami gắn với nhiều đường phố, tượng đài… Đài tưởng niệm ông được tôn dựng ở nhiều nơi. Tượng đài Nizami ở Tashkent (Uzbekistan) được nhà điêu khắc Ilham Jabbarov thiết kế độc đáo. Lễ khánh thành tượng đài ngày 23/3/2004 có Tổng thống Ilham Aliyev (Azerbaijan) và Tổng thống Islam Karimov (Uzbekistan) dự. Lăng Nizami được xây dựng tại thành phố Ganja trở thành một địa chỉ tâm linh...

Lăng Nizami Ganjavi ở Ganja
Thưa nhà thơ nhân văn!
Là đại diện tiêu biểu của trường phái thơ ca vùng Tây - Bắc, tiếp cận với văn học viết và truyền miệng vùng Cận Đông, tác phẩm của Nizami giàu tư tưởng, độc đáo và đa thanh. Cuộc đời, sự nghiệp của Nizami đã trở thành đối tượng nghiên cứu khoa học. Từ cuối thế kỷ XVII, di sản Nizami đã lan rộng ở châu Âu. Như viên ngọc lấp lánh, thơ của ông được dịch sang nhiều thứ tiếng: Anh, Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Nhật Bản và bây giờ là Việt Nam. Những bản viết tay của ông đã trở thành di sản quý, được lưu giữ, bảo vệ trong các thư viện, bảo tàng...
Nizami là nhà thơ yêu nước vĩ đại và là nhà thơ tận tâm với lao động sáng tạo. Thơ Nizami thể hiện tính chuyên nghiệp. Tài năng thơ đã đưa Nizami đến với văn học thế giới và nhiều nhà thơ đã ảnh hưởng từ tác phẩm của ông. Ông luôn kết nối văn học với cuộc sống, lấy chất liệu của lịch sử, truyền thống và thổi vào đó màu sắc đương đại. Nizami là người đầu tiên trong văn học phương Đông ca ngợi sự lao động, coi đó là điểm khác biệt chính của con người so với những loài vật khác. Sáng tác của Nizami đã hình thành một phong cách thơ độc đáo. Nizami vận dụng sáng tạo, rộng rãi, khéo léo nguồn văn học dân gian. Nizami Ganjavi đã tạo nên một phong cách thơ cho mình từ bố cục, cấu trúc, cốt truyện, nhân vật, ngôn ngữ tượng hình... Thơ ông mang âm hưởng trữ tình rõ nét. Ngôn từ thơ trong sáng thể hiện thái độ yêu đời, yêu cuộc sống, vươn lên khỏi nghịch cảnh. Nizami Ganjevi vận dụng sáng tạo, rộng rãi, khéo léo, nhuần nhuyễn nguồn văn học dân gian truyền miệng Azery với những truyền thuyết, huyền thoại, tục ngữ, thơ ca.

Tượng nhà thơ Nizami Ganjavi tại Ganja, Azerbaijan
Hiện tác phẩm của Nezami còn lại trong "Divan" khoảng hơn 100 bài thơ trữ tình. "Bản thảo của Hamsa" là một kiệt tác nghệ thuật về đời sống Hồi giáo được vẽ bằng thi ca. Trong 30 năm cuối đời, Nizami đã sáng tác 5 bài thơ lớn và sau khi ông mất được tập hợp thành "Khamse": "Makhzan al-Asrar" (1163-1176); "Khusraw o Shirin" (1177-1180); "Layla and Majnun" (1192); "Haft Peykar" (1196); Iskander Name (1203). "Makhzan al-Asrar", "Khusraw o Shirin" và "Layla and Majnun" đề cập đến những giai đoạn tuổi trẻ và trưởng thành của nhà thơ. Bài thơ "Haft Peykar" (Bẩy người đẹp) viết khi Nizami khoảng 60 tuổi về tuổi già và bệnh tật. Iskander-name (1203) có dấu vết thời gian kề cận cái chết.
Là một nhà thơ nhân đạo vĩ đại, ông hát về con người, phẩm giá của con người. Những tư tưởng sáng suốt, xuất phát từ sự sáng tạo và tri thức của loài người, cùng với những mong muốn, ước mơ của con người đã được Nizami thể hiện một cách khéo léo trong các tác phẩm của mình, hoàn hảo về ý nghĩa và hình thức.
Tác phẩm của Nizami Ganjevi mang tính nhân văn cao cả, thấm đẫm tư tưởng nhân đạo, yêu thương, trân trọng số phận con người, đặc biệt là người phụ nữ. Nizami thường sử dụng hình ảnh đối lập người phụ nữ xinh đẹp, dũng cảm, có tinh thần đấu tranh với hình ảnh người đàn ông hèn nhát. Ông chứng minh rằng một người phụ nữ có thể tham gia vào nhiều hoạt động một cách bình đẳng. Ông nhìn thấy vẻ đẹp của người phụ nữ ở tâm hồn, phẩm giá. Ông là nhà thơ đầu tiên của văn học phương Đông lấy tiêu chí cái đẹp của phụ nữ là tính nhân văn. Tôi nể phục tư tưởng tiến bộ của ông tỏa sáng từ thế kỷ XII.

Layla và Majnun
Layla and Majnun là một trong tác phẩm Khamse nổi tiếng. Câu chuyện tình yêu bi kịch là mô-típ thường thấy trong văn học như Romeo và Juliet của thế giới, trong đó có Việt Nam. Từ truyền thuyết Ả Rập, nhà thơ đã đồng cảm trước tình yêu bằng tấm lòng nhân đạo. Ông chứng minh tình yêu là điều kỳ diệu nhất. Những mối tình khổ đau trần thế đã tìm thấy lối thoát ở thơ ca. Tình yêu của Layla với Qays đã chung mô típ "ái biệt ly khổ": sinh ly (chia lìa khi sống) và tử biệt (chia lìa khi chết). Nàng Layla đau khổ, bất hạnh đã chết trên sa mạc vì không lấy được Qays. Chàng Qays đã tìm đến và chết bên mộ nàng Layla: "Mải miết tìm, em yêu ở nơi đâu?/ Bao chiều vắng nhuộm hồn anh hoang dại/ Trái đất thiếu em trái tim anh thắt lại/ Nước mắt tuôn cả sa mạc thành sông" (Phong Hương dịch). Cái chết cho trọn vẹn mãi một tình yêu: "Họ ngủ say bên nhau đến muôn đời/ Họ ngủ say bên nhau đến ngày phán xét". Những câu thơ cuối cùng của Qays đã được khắc trên mộ nàng Layla: "Tôi đã đi qua thị trấn Layla/ Hôn lên những bức tường lặng đá/ Trầm tích kết một tình yêu yên ả/ Em - Đấng ngự trị của tôi làm nên thị trấn này" (Phong Hương dịch)...
Tác phẩm của Nizami là đỉnh cao của thời kỳ Phục Hưng phương Đông, phản ánh nghệ thuật tươi sáng của lòng nhân đạo, đạo đức xã hội cao cả. Những bài thơ của Nizami Ganjevi đã đóng một vai trò to lớn trong việc làm phong phú thêm chủ đề tình yêu, vốn đã phổ biến rộng rãi trong văn học phương Đông.

Tác giả bài viết (bìa trái) và nữ Tham tán Agun Samadova - Đại sứ quán nước Cộng hòa Azerbaijan tại Hội thảo Di sản “Nizami Ganjavi dưới góc nhìn của giới nghiên cứu Việt Nam” nhân kỷ niệm 880 năm ngày sinh Nizami Ganjavi
Nizami Ganjavi - Nhà thơ, nhà tư tưởng vĩ đại với tầm nhìn vượt thời gian của đất nước Azerbaijan. Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng "Nizami Ganjavi không chỉ là danh nhân văn hóa mà còn là giấy thông hành tuyệt vời của Azerbaijan ra thế giới". Việc tổ chức Hội thảo "Di sản Nizami Ganjavi dưới góc nhìn của giới nghiên cứu Việt Nam" nhân kỷ niệm 880 năm ngày sinh Nizami Ganjavi càng có ý nghĩa lớn lao khi Azerbaijan đang phát triển về mọi mặt, vị thế quốc tế ngày càng được nâng cao, tuổi trẻ Azerbaijan thêm hiểu về truyền thống dân tộc qua các tác phẩm của Nizami Ganjavi, càng thêm tự hào để góp phần to lớn hơn vào công việc xây dựng và phát triển đất nước.
Tôi chờ tập thơ đầu tiên của Nizami dịch sang tiếng Việt. Đây là cầu nối gắn kết hai quốc gia Việt Nam vốn có nhiều tương đồng về văn hóa.
Tags