NSƯT Lê Tứ cùng khoảng 40 nghệ sĩ khác trong các lĩnh vực sân khấu, ca nhạc, thời trang, điện ảnh… vừa hoàn thành cuộc diễu hành rước tôn tượng Phật từ chùa tổ Ấn Quang về Việt Nam Quốc Tự (TP.HCM) vào đêm 5/5/2025, đi hơn 2km, qua nhiều đoạn đường lớn để người dân được chiêm ngưỡng, chia sẻ sự hoan hỷ.
1. Gặp gỡ NSƯT Lê Tứ sau chuyến diễu hành rước Phật, anh thật hồ hởi, vì năm nay anh được tham gia những sự kiện lớn của Phật giáo, trong đó có Đại lễ Vesak Liên hiệp quốc 2025, đánh dấu bước phát triển lớn của Việt Nam.
Đặc biệt năm nay Thành hội Phật giáo TP.HCM đã chuẩn bị trang phục cho các nghệ sĩ rất đẹp, đều là áo dài truyền thống, nhưng thiết kế đồng bộ, mang màu sắc cung đình sang trọng, tôn vinh lễ phục Việt Nam một cách đáng nể. Trên tay mỗi nghệ sĩ đều cầm một tượng Phật đặt trên đóa hoa sen đang nở, vừa lung linh vừa tôn nghiêm.

NSƯT Lê Tứ trong vai vua Tịnh Phạn và nghệ sĩ Hà Như vai di mẫu Ma Ha Ba Xà Ba Đề. Ảnh: Trần Tiến Dũng
Lê Tứ nói: "Chúng tôi thật hạnh phúc khi đi diễu hành trong sự tán thán của bà con, công chúng. Có cơ hội tôn kính và ngợi ca Đức Phật như vậy thì đáng quý biết bao. Thật ra, năm ngoái tôi cũng có đi diễu hành, nhưng năm nay kết hợp với sự kiện Vesak, nên càng cảm xúc. Tôi quy y với hòa thượng Thích Lệ Trang vào năm ngoái tại Việt Nam Quốc Tự, năm nay được hòa thượng chọn cùng nhiều nghệ sĩ khác để đi diễu hành, thật sự hoan hỷ".
Trước đó, ngày 3/5, Lê Tứ và khoảng 10 nghệ sĩ khác còn được tham gia biểu diễn vở nhạc kịch cải lương Cuộc đời Đức Phật (kịch bản và đạo diễn: cư sĩ Tuệ Quang). Ngoài ra còn vài chục diễn viên quần chúng và diễn viên múa, làm nên vở diễn đậm nét, thu hút gần 5.000 khán giả tại lễ đài Vesak, ở công viên Láng Le, huyện Bình Chánh, TP.HCM.

Lê Tứ và các nghệ sĩ khác trong trang phục đi diễu hành. Ảnh: NVCC
Lê Tứ cho biết: "Vở này cách đây 10 năm tôi và Võ Minh Lâm đã từng diễn nhiều suất tại Bình Định và thay nhau đóng vai thái tử Tất Đạt Đa. Nhưng năm nay với ê-kíp mới thì tôi đóng vai vua Tịnh Phạn. Mỗi lần diễn đều có cảm xúc sâu đậm. Nhất là vai vua Tịnh Phạn có nhiều tâm lý nặng hơn, vì không nỡ xa thái tử, vì giận, vì thương, khá phức tạp".
Theo Lê Tứ thì vở này chưa thể gọi là cải lương chính thống, mà chỉ là một nhạc kịch cải lương giản dị, bởi không đi sâu vào tâm lý, tính cách, tâm tư, tình cảm, số phận nhân vật, cũng như thời lượng rút gọn chỉ còn 90 phút, nên vở chỉ như một cách kể chuyện, cốt cho khán giả nắm được tình tiết mà thôi. Chưa kể, vì thời gian gấp rút, nên các nghệ sĩ và nhóm múa phải chia nhau tập tuồng theo từng nhóm, rồi cuối cùng mới ráp lại. Trang phục cũng không chuẩn bị kịp, nhất là trang phục Ấn Độ ít nơi nào có sẵn, phải thuê mướn 2 - 3 chỗ mới đủ. Dẫu vậy, vở vẫn thu hút đông khán giả, vì dàn nghệ sĩ quá giỏi nghề như Hà Như, Đào Vũ Thanh, Kim Luận, Trọng Nghĩa, Hiền Linh, Nhật Nguyên… đều là những gương mặt nổi tiếng hiện nay, trong đó chiếm số đông vẫn là nghệ sĩ của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang.

Lê Tứ vai vua Tịnh Phạn và Kim Luận vai hoàng hậu Ma Da. Ảnh: Trần Tiến Dũng
2. Lê Tứ còn cho biết khoảng 10 năm nay anh thường xuyên tham gia các vở diễn về Phật giáo, như vở Thái tử A Xà Thế, Phật hoàng Trần Nhân Tông, đi hát rất nhiều chùa, còn tham gia đóng vài phim về Phật giáo nữa.
Anh chia sẻ: "Diễn trong các vở về Phật giáo, tự nhiên mình phải sống nghiêm túc, không dám ăn nói hoặc hành động thất thố. Đặc biệt khi đóng vai thái tử Tất Đạt Đa, vai Đức Phật thì càng cẩn trọng trong mọi hành xử. Mình đừng nghĩ đơn giản chỉ là nghệ thuật, mà bên cạnh đó còn có từ trường của sự thiêng liêng, tôn kính".

Vợ chồng Lê Tứ từng tham gia nhiều chương trình về chủ đề Phật giáo
Nghệ sĩ Hà Như, vợ của Lê Tứ, cũng theo sát bên chồng trên từng bước chân lưu diễn. Lần này chị vào vai di mẫu Ma Ha Ba Xà Ba Đề, dì ruột của thái tử Tất Đạt Đa, cũng là mẹ kế, khi hoàng hậu Ma Da mất đi thì di mẫu thay chị chăm sóc cháu, thương như con ruột. Hà Như nói: "Tôi từng diễn vở này, khi thì đóng vai hoàng hậu Ma Da, khi thì đóng vai di mẫu. Đóng tuồng Phật thực sự hạnh phúc đối với tôi, vì ngoài chuyện mặc trang phục và hóa trang người Ấn Độ rất đẹp, thì còn mang nội dung, ý nghĩa thiêng liêng nữa. Các vở diễn về Phật giáo giúp mọi người thấm lời dạy của Đức Phật, thấm tinh thần từ bi hỷ xả, giúp lòng người nhẹ nhàng, thanh thản hơn. Khán giả thấy vậy, mà nghệ sĩ chúng tôi cũng cảm nhận y như vậy".
Cho nên nói sân khấu về chủ đề Phật giáo là một kênh giáo dục cũng đúng, một cách giáo dục vừa thư giãn vừa thú vị, đi vào lòng người tự lúc nào không biết. Còn nghệ sĩ đi hát tuồng Phật hiếm khi nào đòi hỏi cát-sê, các chùa bồi dưỡng bao nhiêu cũng được, chủ yếu là tiền son phấn, xăng xe, ăn uống mà thôi. Đặc biệt năm nay với Đại lễ Vesak Liên hiệp quốc 2025, với gia đình Lê Tứ và nhiều nghệ sĩ khác, được góp sức đã là niềm vinh hạnh, là một hoan hỷ lớn.
Tags