Qua thời gian khai quật khảo cổ học tại thành cổ Luy Lâu, phường Thanh Khương, thị xã Thuận Thành, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh đã phát hiện hiện nhiều dấu tích kiến trúc quý giá.
Cụ thể, từ ngày 25/3 đến hết tháng 4/2025, các nhà khoa học đã khai quật khảo cổ tại vị trí tường thành Ngoại phía Tây, tổng diện tích khoảng 76m2, dưới sự chủ trì của Giáo sư Hoàng Hiểu Phấn (Đại học Đông Á, Nhật Bản) và ông Lê Văn Chiến (Bảo tàng Lịch sử quốc gia). Đây là hoạt động nhằm tiếp tục tìm hiểu các giá trị lịch sử, văn hóa còn ẩn chứa trong lòng thành cổ, đồng thời thúc đẩy hợp tác nghiên cứu học thuật quốc tế.
Trong quá trình khai quật, các nhà khảo cổ phát hiện nhiều dấu tích kiến trúc quý giá, nổi bật là đường móng kiến trúc xây bằng gạch chữ nhật màu xanh xám, chạy dọc tường thành hướng về phía sông Dâu. Đường móng dài khoảng 3,3m, xây tường đôi rộng 40cm, nhiều đoạn còn bảo lưu tới tám hàng gạch; đặc biệt, mặt phía Tây giật cấp phẳng, cho thấy kỹ thuật xây dựng vững chắc, tinh xảo của cư dân cổ.

Toàn cảnh khu vực phát hiện hai chiếc thuyền cổ tại vùng đất cổ Luy Lâu. Ảnh: Thanh Thương - TTXVN
Ngoài ra, tại lớp đắp gia cố tường thành, các nhà khảo cổ ghi nhận việc sử dụng gạch vỡ từ thế kỷ VII-IX, tái sử dụng gạch thời thế kỷ VI, phản ánh quá trình kế thừa kỹ thuật xây dựng qua nhiều thời kỳ lịch sử. Các dấu tích như móng kiến trúc thời Nguyễn làm bằng vôi vữa, cọc tre chống lún càng chứng minh sự phát triển liên tục của khu vực này trong dòng chảy lịch sử.
Đáng chú ý, di vật thu được trong lần khảo cổ này rất phong phú, gồm nhiều loại gạch xây, gạch trang trí hoa văn tinh xảo, ngói ống, ngói máng và đồ gia dụng bằng đất nung, sành, gốm men như bát, đĩa, bình, vò... Một số viên gạch mang ký tự Hán cổ cung cấp những tư liệu quý cho việc xác định niên đại và bối cảnh văn hóa, chính trị của thành Luy Lâu.
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, kết quả khai quật năm 2025 tiếp nối những phát hiện từ năm 2022 tại hố T14, với diện tích mở rộng và tài liệu phong phú hơn, góp phần củng cố luận cứ khẳng định giá trị đặc biệt của thành Luy Lâu. Đây không chỉ là trung tâm hành chính, quân sự lớn thời Bắc thuộc, mà còn là biểu tượng sinh động cho quá trình tiếp biến văn hóa, kỹ thuật xây dựng trong lịch sử Việt Nam.

Các mảnh khuôn đúc trống đồng được khai quật tại thành cổ Luy Lâu (Bắc Ninh) năm 2024. Ảnh: TTXVN phát
Đặc biệt, lần đầu tiên các nhà khoa học xác định được tường thành Ngoại phía Tây khi khởi dựng được xây bằng gạch là một phát hiện quan trọng, mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới về kiến trúc thành cổ Luy Lâu. Các nhà khoa học kiến nghị cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương sớm có phương án bảo vệ hiện trạng, nghiên cứu phương án trưng bày tại chỗ, góp phần quảng bá giá trị lịch sử văn hóa đặc sắc của thành cổ Luy Lâu tới công chúng và bạn bè quốc tế.
Trước đó, trong lần khai quật khảo cổ học gần nhất từ tháng 10 đến 12/2024, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh khai quật khu vực phát hiện mảnh khuôn đúc trống đồng tại di tích thành cổ Luy Lâu, đã thu được hơn 2.300 mảnh khuôn đúc trống đồng. Trong số các mảnh khuôn tìm thấy có hai loại là: khuôn đã được sử dụng đúc trống với bề mặt bị cháy xám cứng; khuôn mới sấy chưa được sử dụng đúc có bề mặt màu hồng nhạt, khá bở. Trong đó, một mảnh khuôn đúc ngoài của mặt trống khá lớn, có đầy đủ các họa tiết hoa trang trí từ tâm trống ra vành ngoài, cùng với mảnh khuôn ở các vị trí tang, thân và chân trống... đã bổ sung thêm nhận thức và nhìn nhận một cách chính xác về trống đồng đúc tại Luy Lâu.
Đáng chú ý, sau nhiều năm khai quật Luy Lâu, đây là lần đầu tiên các nhà khoa học phát hiện di tích, di vật thời Trần có số lượng khá lớn, nằm rải rác trong các lớp đất phía trên của tòa thành. Điều này cho thấy vào thời Trần, khu vực thành Luy Lâu đã được sử dụng trong một thời gian dài.
Trên cơ sở kết quả khai quật, các chuyên gia khẳng định, Luy Lâu là một trung tâm luyện kim, đúc đồng lớn rất có giá trị trong nghiên cứu về quy trình đúc trống đồng của người Việt cổ và sức sống mạnh mẽ của văn hóa Đông Sơn trong dòng chảy lịch sử dân tộc. Do đó, việc tiếp tục thực hiện các cuộc nghiên cứu khai quật di tích công xưởng này tại thành cổ Luy Lâu là rất cần thiết, nhằm tìm hiểu một cách toàn diện về các hoạt động liên quan đến luyện kim, đúc đồng tại đây.
Tags