Phim "Thám tử Kiên" - làn gió mới của Victor Vũ

Thứ Tư, 07/05/2025 18:00 GMT+7

Google News

Trở lại với sở trường trinh thám sau những cú trượt dài ở dòng phim tình cảm, Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu đánh dấu sự trở lại ngoạn mục của Victor Vũ. Đây cũng là cú hích đột phá trong bối cảnh nền điện ảnh Việt Nam đang còn thiếu sự tươi mới.

Với doanh thu đã chạm mốc 150 tỷ đồng, trong khi mức hòa vốn là 100 tỷ đồng, theo Victor Vũ, thì Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu đang khá thênh thang về sự thành công phòng vé. Đầu tư sản xuất với kinh phí hơn 40 tỷ đồng, vợ chồng Victor Vũ - Đinh Ngọc Diệp xem đây là một sự mạo hiểm, vì Người vợ cuối cùng không thành công, chỉ thu về hơn 97 tỷ đồng, tạm hòa vốn.

Tuy không đầu tư rầm rộ về mặt truyền thông, song Thám tử Kiên vẫn tạo được sức hút nhờ vào chất lượng nội dung, sự đầu tư chỉn chu trong từng khung hình và cách kể chuyện mang đậm tính điện ảnh.

Phim "Thám tử Kiên" - làn gió mới của Victor Vũ - Ảnh 1.

Đinh Ngọc Diệp trong vai Hai Mẫn

Một bước tiến rõ rệt

Tiếp tục thử sức với dòng phim cổ trang, sau Người vợ cuối cùng (2023), Victor Vũ cho thấy bước tiến rõ rệt trong cách tiếp cận và xử lý chất liệu văn hóa - lịch sử. Nếu tác phẩm trước thiên về bi kịch tâm lý và số phận phụ nữ, thì lần này, đạo diễn Victor Vũ chuyển hướng sang thể loại trinh thám - điều tra phá án. Ngay từ mở đầu, phim đã gây ấn tượng mạnh bằng vụ án ly kỳ, cùng chuỗi xác chết không đầu liên tục xuất hiện tại một ngôi làng ven sông, đánh trực diện vào trí tò mò và khả năng suy luận của người xem.

Vận dụng triệt để thủ thuật đánh lạc hướng (red herring), Thám tử Kiên liên tục đưa ra các cú lật chuyện (twist) để dẫn dắt người xem về hành trình truy tìm danh tính hung thủ. Với tần suất dày đặc của các tình tiết hóc búa mang tính thử thách cao, việc giữ cho cốt truyện luôn mạch lạc, lôi cuốn là một thách thức lớn với Victor Vũ. Đây không chỉ là bài toán về cấu trúc kịch bản, mà còn là sự kiểm soát nhịp kể và cảm xúc của khán giả, để làm sao vừa đánh đố mà không gây rối, xoắn xuýt nhưng không đứt mạch.

Không chỉ đơn thuần là một tác phẩm điều tra phá án, Thám tử Kiên còn khéo léo lồng ghép yếu tố tâm linh nhằm tăng cường mức độ hồi hộp và kịch tính. Tuy nhiên, thay vì dựa vào các chiêu trò hù dọa thường thấy, bộ phim lựa chọn cách tiếp cận tiết chế hơn, tạo cảm giác căng thẳng vừa đủ thông qua sự nhấp nhả nhịp nhàng của không khí, âm thanh và hình ảnh. Chính điều này giúp bộ phim gần gũi hơn với khán giả đại chúng, song vẫn giữ được màu sắc riêng biệt trong thể loại trinh thám - kinh dị.

Phim "Thám tử Kiên" - làn gió mới của Victor Vũ - Ảnh 2.

Màn tương tác ăn ý của bộ đôi điều tra thám tử Kiên (trái) và Hai Mẫn

Trong suốt chiều dài bộ phim, hình ảnh nước xuất hiện liên tục với nhiều hình thái - từ những vật dụng quen thuộc như chậu rửa mặt, lu nước, đến những không gian thiên nhiên rộng lớn như thác nước hoặc dòng sông. Tuy hiện hữu như một yếu tố đời thường, song nước lại mang trong mình nhiều tầng nghĩa biểu tượng, góp phần khắc họa chiều sâu tâm lý và không khí huyền hoặc bao trùm tác phẩm.

Nổi bật nhất là hình ảnh con sông bao quanh ngôi làng. Tại đây, nước không còn là yếu tố tự nhiên thuần túy, mà trở thành ranh giới giữa sự sống và cái chết. Việc các thi thể trôi dạt liên tiếp vào bờ, ngoài gây ám ảnh về mặt hình ảnh, chi tiết này còn đặt người xem vào trạng thái lưỡng lự giữa 2 cõi dương và âm, giữa hiện thực và hư ảo. Khung cảnh đó tương phản rõ rệt với đời sống nhộn nhịp của dân làng, nhấn mạnh tính phân mảnh trong không gian phim.

Bên cạnh vai trò là ranh giới sinh tử, dòng thác còn gợi lên hình ảnh của sự lưu chuyển và tuần hoàn. Khi soi chiếu với chuỗi sự kiện và mối quan hệ giữa các nhân vật, nó ẩn dụ cho vòng lặp của oán hận, cho những cảm xúc bị dồn nén và tích tụ qua thời gian. Dòng nước tưởng chừng chỉ là phông nền vô tri, lại trở thành công cụ dẫn dắt cảm xúc, báo hiệu mối đe dọa tiềm tàng và phản ánh nỗi sợ hãi âm ỉ, ăn sâu vào đời sống con người.

Chia sẻ về quá trình tìm kiếm bối cảnh, theo yêu cầu của Victor Vũ, ngôi nhà của nhân vật Đông (Sỹ Toàn thủ vai) phải nằm ở khu vực có dòng thác "vừa đủ kín đáo, vừa đủ riêng tư để hành trình câu chuyện xảy ra". Ở đây, dòng thác không chỉ là một khung cảnh hùng vĩ, cô lập giữa thiên nhiên, mà còn là vị trí ẩn náu lý tưởng cho kẻ giết người, nơi cái ác có thể âm thầm tồn tại, không bị phát hiện. Dòng nước chảy xiết, cuộn trào, giờ đây không còn mang tính thanh lọc hoặc chữa lành như hình ảnh thường thấy trong văn hóa Á Đông, mà trở thành biểu tượng của hiểm họa - một thế lực bất kham, khó lường.

Trong bối cảnh điện ảnh nội địa đang cần thêm những làn gió mới, lựa chọn của Victor Vũ với Thám tử Kiên dù hơi rủi ro nhưng vẫn xứng đáng được ghi nhận như một bước tiến đáng giá về tư duy nghệ thuật.

Đầu tư nghiêm túc về kịch bản

Victor Vũ từ lâu đã được biết đến là một đạo diễn theo đuổi chủ nghĩa duy mỹ trong nghệ thuật. Ở các tác phẩm trước, trang phục của nhân vật thường được chăm chút đến từng chi tiết, luôn phẳng phiu và gọn gàng. Sự chỉn chu này tạo nên thương hiệu riêng của Victor Vũ, nhưng cũng không ít lần vấp phải tranh cãi khi bị cho là làm giảm tính chân thật của điện ảnh.

Với Thám tử Kiên, nam đạo diễn cho thấy sự tiếp thu và thay đổi đáng kể. Anh bắt đầu tiết chế về mặt hình thức để ưu tiên cảm giác đời thường, chân thực hơn cho tác phẩm. Qua đó cho thấy sự linh hoạt và cầu thị trong tư duy làm phim của đạo diễn này.

Phim "Thám tử Kiên" - làn gió mới của Victor Vũ - Ảnh 4.

Thám tử Kiên tìm hiểu về sự mất tích của Nga theo những dấu vết sót lại trên hiện trường

Kịch bản lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Hồ oán hận của Hồng Thái, với bối cảnh làng quê Bắc bộ thế kỷ 19. Kịch bản được Đức Nguyễn và Victor Vũ xây dựng chặt chẽ, nhiều tầng lớp, chứng tỏ cho sự đầu tư nghiêm túc với dòng phim trinh thám. Các nút thắt được sắp xếp hợp lý, tạo ra hành trình phá án vừa kịch tính, vừa lôi cuốn.

Tuy nhiên, việc ôm đồm quá nhiều tình tiết khiến phim đôi lúc trở nên nặng nề. Đặc biệt, để giải thích từng tình tiết, đạo diễn liên tục sử dụng kỹ thuật hồi tưởng (flashback). Dù là thủ pháp quen thuộc trong thể loại điều tra, song khi được lặp lại với tần suất dày đặc, điều này lại gây ra phản ứng ngược khi vô tình làm loãng nhịp phim, giảm độ liền mạch của câu chuyện.

Cân bằng giữa căng thẳng và giải trí

Nam chính Quốc Huy ghi dấu ấn mạnh mẽ với vai thám tử Kiên. Nhờ kinh nghiệm dày dạn trong các dự án trinh thám trước đó, anh thể hiện trọn vẹn phong thái điềm tĩnh, ánh mắt sắc lạnh và nét suy tư đặc trưng của một thám tử. Đặc biệt, trong những phân đoạn phân tích vụ án, Quốc Huy cho thấy sự kiểm soát tốt về tâm lý, khiến người xem dễ bị cuốn theo mạch suy luận của nhân vật. Nhân vật thám tử Kiên từng xuất hiện trong phim Người vợ cuối cùng của Victor Vũ, coi bộ còn xuất hiện nữa, nên Quốc Huy có đủ thời gian và thời lượng để diễn xuất tốt hơn.

Phim "Thám tử Kiên" - làn gió mới của Victor Vũ - Ảnh 5.

Quốc Huy trong vai thám tử Kiên

Trong khi đó, Đinh Ngọc Diệp đảm nhận vai phụ tá và chủ yếu giữ vai trò cân bằng không khí bằng những mảng miếng hài hước. Lần này, cô nàng được giao cho nhiều đất diễn hơn hẳn tác phẩm trước. Tuy nhiên, lối thể hiện của nữ diễn viên vẫn còn mang hơi hướng sân khấu, đôi lúc khiến cảm giác điện ảnh chưa thật sự trọn vẹn.

Dù vậy, những màn tung hứng giữa Quốc Huy và Đinh Ngọc Diệp vẫn đủ tạo sự thú vị, tạo nhịp điệu hợp lý giữa căng thẳng và giải trí. Sự ăn ý của 2 diễn viên góp phần giúp bộ phim giữ được sự cân bằng trong cảm xúc và tiết tấu.

Phim "Thám tử Kiên" - làn gió mới của Victor Vũ - Ảnh 6.

Minh Anh - nàng thơ mới của Victor Vũ - đang có cơ hội để khẳng định với điện ảnh

Minh Anh - nàng thơ mới của Victor Vũ - nhận về sự chú ý không kém. Tuy còn trẻ, song cô nàng đã có hơn 10 năm hoạt động nghệ thuật. Vì thế, sự kỳ vọng dành cho Minh Anh khi kết hợp cùng đạo diễn dày dạn kinh nghiệm là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, so với sự mong đợi, vai diễn lần này của Minh Anh chưa thật sự tạo đột phá. Vì khá ít đất diễn, nên mọi thứ chỉ dừng lại ở mức tròn vai, ổn định, chưa đủ chiều sâu để tạo dấu ấn riêng.

Giữa làn sóng gần như bội thực của các bộ phim tình cảm, gia đình đang chiếm sóng màn ảnh rộng, Thám tử Kiên xuất hiện như một lựa chọn riêng. Nhưng việc ấn định thời điểm ra rạp cùng lúc với nhiều tác phẩm thương mại đình đám là một việc làm đầy mạo hiểm. Đây vừa là thách thức về doanh thu, vừa là cơ hội để Victor Vũ khẳng định vị thế và lấy lại lòng tin từ khán giả sau những cú trượt phong độ trước đó.

Lựa chọn thể loại trinh thám vốn kén người xem thay vì bám theo dòng phim dễ ăn khách cho thấy sự dũng cảm và khát khao làm mới mình của đạo diễn này. Tuy phải cạnh tranh khốc liệt với nhiều phim phòng vé, Thám tử Kiên vẫn tạo được sức hút riêng nhờ kịch bản chặt chẽ, hình ảnh đẹp mắt và yếu tố tâm linh được khai thác khéo léo, hợp thời.

Bộ phim vì thế không chỉ là một tác phẩm giải trí đơn thuần, mà còn là một bước ngoặt đánh dấu sự chuyển mình trong sự nghiệp Victor Vũ.

Anh Thư

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›