"Pho sử vàng" nhiếp ảnh kháng chiến

Những ngày này, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành (nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam, nguyên Trưởng Ban biên tập Ảnh - TTXVN) vẫn miệt mài bên kho ảnh lịch sử đồ sộ, tỉ mỉ sắp xếp, tuyển chọn tư liệu để hoàn thiện cuốn sách Lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam - công trình ông đã tâm huyết theo đuổi suốt hơn 20 năm qua.

Dồn sức vào công trình đời mình, ông không thể nào quên những tháng năm lửa đạn, khi là một phóng viên ảnh chiến trường xông xáo khắp các mặt trận ác liệt nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Cùng các đồng đội của mình ở TTXVN, ông đã góp phần làm nên một thế hệ phóng viên ảnh chiến trường anh hùng. Họ đã để lại một di sản nhiếp ảnh kháng chiến quý giá - những bức ảnh sống động, chân thực, nhuốm máu và nước mắt, mà đến hôm nay vẫn được nhắc đến như một "pho sử vàng" của lịch sử dân tộc.

"Pho sử vàng" nhiếp ảnh kháng chiến - Ảnh 1.

Phóng viên chiến trường Chu Chí Thành (đứng đầu) tại Quảng Trị năm 1973. Ảnh: Đỗ Tráng

Những ký ức không quên…

Thoáng nhìn về miền ký ức xa xăm, nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành hồi tưởng lại năm tháng thanh xuân sôi nổi, khi ông lần đầu xông pha chiến trường với chiếc máy ảnh trên tay…

Tháng 4/1968, ông đạp xe suốt mấy trăm cây số vào Quảng Bình, đồng hành cùng nhà báo Lương Nghĩa Dũng (Nhà báo, liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2017). Khi ấy, ông Dũng là phóng viên của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, được biệt phái sang TTXVN.

Trong chuyến đi, nhà báo Lương Nghĩa Dũng luôn có tinh thần nhận phần khó về mình. "Những chỗ ác liệt, gian nan thì anh đi, còn những chỗ dễ hơn thì nhường cho tôi, một phần vì tôi mới ra trường, phần vì còn non kinh nghiệm. Nhưng tôi khi ấy còn trẻ, lại hăng hái, nên tôi không chịu. Tôi bảo: "Anh đi đâu, em đi đấy". Thật sự, đi một mình trong hoàn cảnh ấy rất nguy hiểm. Nếu có chuyện gì xảy ra, có anh em bên cạnh còn đỡ cho nhau. Nghe vậy, anh cũng thấy hợp lý và đồng ý".

"Pho sử vàng" nhiếp ảnh kháng chiến - Ảnh 2.

Dân quân xã Nhân Trạch, tỉnh Quảng Bình ập tới hiện trường máy bay lao xuống đất đang bốc cháy. Ảnh: Chu Chí Thành

Và rồi, 2 anh em lăn lộn khắp các điểm nóng: từ đơn vị nữ pháo binh Ngư Thủy đến bến phà Long Đại, nơi ngày nào cũng vọng tiếng súng, tiếng bom. Rồi vào tận Vĩnh Linh, đến xã Vĩnh Thủy, vùng đỏ lửa nhất lúc bấy giờ. Và chính nơi đây, anh phóng viên trẻ Chu Chí Thành lần đầu đối mặt với bom B52.

Hôm ấy, 2 anh em chia nhau công việc. Nhà báo Lương Nghĩa Dũng ra trận địa pháo cao xạ, còn ông ở lại chụp hoạt động dân quân. Không ngờ, chỉ ít phút sau, máy bay B52 dội bom thẳng vào khu vực xã Vĩnh Thủy - nơi ông đang có mặt. Là phóng viên trẻ, mới ra trường, lần đầu rơi vào vòng bom, may mắn thay, ông đang trú trong hầm Ủy ban xã sau bữa trưa.

"Lúc ngồi trong hầm, tôi nhìn ra cửa, thấy một con lợn chết. Rồi một con gà cứ vô tư mổ vào xác nó, máu tứa ra, thịt tung tóe. Hình ảnh đó khiến tôi lạnh người. Tôi chợt nghĩ: không biết rồi mình có thành ra như thế? Cảm giác ấy, lần đầu nếm mùi B52, đến giờ tôi vẫn không quên, ám ảnh lắm!" - ông nhớ lại - "Chỉ vài phút sau, anh Dũng chạy vào, đứng ngay đầu hầm, gọi to: "Đồng chí Thành! Có làm sao không?". Tôi đáp vội: "Không! Em không sao!". Anh bảo ngay: "Thế thì ra thôi! Còn chụp ảnh chứ!". Tôi còn chưa kịp hoàn hồn, hỏi lại: "Chụp gì hả anh?" Anh nói: "Chụp khắc phục hậu quả!"…

Khoảnh khắc này đã làm anh phóng viên trẻ Chu Chí Thành ngày đó bừng tỉnh. Tinh thần làm việc quyết liệt và tỉnh táo của nhà báo Lương Nghĩa Dũng như đánh thức trong ông ý thức nghề nghiệp sâu sắc: Là phóng viên chiến trường, phải luôn nhanh nhạy, phải bám sát sự kiện, bám sát hiện thực. Trước mắt họ khi ấy là những khung cảnh nóng hổi của hiện thực chiến tranh, nếu không chụp ngay, những khoảnh khắc đắt giá sẽ vĩnh viễn trôi qua.

Thấm thía được tinh thần làm việc như thế, cũng trong chuyến đi này, có lần, nhà báo Chu Chí Thành may mắn chụp được một chiếc máy bay Mỹ bị dân quân bắn cháy, rơi ngay ở xã Nhân Trạch.

"Pho sử vàng" nhiếp ảnh kháng chiến - Ảnh 3.

Phi công Mỹ Roger Dean Ingvalson bị bắt ở xã Nhân Trạch, tỉnh Quảng Bình, ngày 28-5-1968. Ảnh: Chu Chí Thành

Lần đó, khi nghe tin máy bay rơi cách phân xã chỉ vài cây số, ông chạy một mạch đến hiện trường. Đến nơi, vừa kịp thấy cảnh máy bay đang bốc cháy, dân quân đã ập tới bắt sống tên giặc lái, ông liền chụp ngay được cảnh tên phi công bị bắt và chiếc máy bay đang bốc cháy.

Đặc biệt, ông Thành tiết lộ, thời điểm ấy, giữa anh em phóng viên ảnh chiến trường, có một tinh thần gần như thi đua ngầm: làm sao chụp được máy bay rơi, làm sao chụp được phi công Mỹ bị bắt. Những hình ảnh như thế là rất quý, rất hiếm. Nó như là bằng chứng sống để khẳng định quân dân ta luôn chiến đấu và chiến thắng.

Luôn tin vào chiến thắng

NSNA Chu Chí Thành được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2022 với bộ ảnh "Hai người lính", gồm 4 ảnh.

Với những ký ức vẹn nguyên, cho đến giờ, ở tuổi ngoài 80, nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành vẫn nguyên vẹn cảm xúc sôi nổi, khí thế hào hùng của một thời xông pha nơi trận mạc, với chiếc máy ảnh luôn kề bên.

Dù bắt đầu chậm hơn chút ít so với các đồng nghiệp - tốt nghiệp năm 1966, đến năm 1967 học lớp phóng viên ảnh, rồi năm 1968 mới cầm máy ra trận - nhiếp ảnh gia Chu Chí Thành lại bước vào chiến trường đúng vào một cột mốc đặc biệt. Năm đó, Hội nghị Paris bắt đầu diễn ra…

"Là một phóng viên trẻ, sống và làm việc trong hoàn cảnh ấy, tôi thực sự hào hứng và tự hào. Tự hào vì mình đã có mặt, đã cầm máy để ghi lại tinh thần chiến đấu ngoan cường của dân tộc. Những bức ảnh của tôi, cũng như của anh em, là những thông điệp trực tiếp đối thoại với các tuyên bố ngạo mạn, như câu nói của Tổng thống Mỹ Richard Nixon rằng, sẽ "đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá" - một tuyên bố vừa ngông cuồng, vừa vô nhân đạo" ông nói.

"Pho sử vàng" nhiếp ảnh kháng chiến - Ảnh 5.

Phi công Mỹ Brian Hayden Ward bị bắt ngày 27-12-1972, tại buổi họp báo ngay hôm sau 28-12-1972 ở Hà Nội. Ảnh: Chu Chí Thành

"Trong bối cảnh đó, ảnh của chúng tôi, của cả tập thể phóng viên chiến trường, như những lát cắt thẳng vào tư duy ngạo mạn ấy. Họ huênh hoang, còn chúng ta chiến đấu bằng sự thật, bằng bản lĩnh. Và nhiếp ảnh cũng vậy!" - ông kể tiếp - "Chúng tôi thường nói với nhau: quân đội ta đánh thắng trên đầu thù, và ảnh của ta cũng đứng trên đầu thù. Đó là cách chúng tôi phản ánh hiện thực chiến tranh".

 "Có lần, tôi cùng các nghệ sĩ Mai Nam, Đoàn Công Tính và Hứa Kiểm sang Pháp làm triển lãm. Các phóng viên phương Tây thắc mắc: "Sao ảnh của các ông không có cảnh chết chóc, bi thương, mà chỉ thấy tinh thần rất lạc quan?". Họ lại hỏi: "Sao trong ảnh, chiến tranh mà người Việt Nam có vẻ vẫn bình thản thế?" - ông nhớ lại - "Chúng tôi trả lời rằng, vì chúng tôi tin vào chiến thắng. Chúng tôi tự tin khi chiến đấu, và ảnh phản ánh đúng tinh thần đó. Họ lại hỏi tiếp: "Sao người Việt Nam hay cười thế?". Chúng tôi đáp: "Vì chúng tôi lạc quan. Phải cười thôi!".

"Pho sử vàng" nhiếp ảnh kháng chiến - Ảnh 6.

Nữ diễn viên người Mỹ Jane Fonda ghi âm cuộc nói chuyện với tù binh phi công Mỹ tại Hà Nội, tháng 7-1972. Ảnh: Chu Chí Thành

Theo ông, ảnh của các phóng viên chiến trường Việt Nam có cách tiếp cận khác với ảnh của các phóng viên phương Tây. Họ có điều kiện ghi lại những tàn khốc của chiến tranh, tố cáo trực diện sự tàn bạo của quân đội Mỹ và chính quyền Sài Gòn bấy giờ. Trong khi đó, phóng viên Việt Nam tác nghiệp chủ yếu trong vùng giải phóng, giữa lực lượng cách mạng, nên hình ảnh tập trung vào tinh thần chiến đấu, sự kiên cường và ý chí vượt lên gian khó. Chính vì thế, 2 mảng ảnh, tuy khác nhau, nhưng khi đặt cạnh nhau lại bổ sung cho nhau, tạo nên một bức tranh chân thực và toàn diện về cuộc chiến. Một cuộc chiến khốc liệt đến tận cùng, và chiến thắng của nhân dân ta là một chiến thắng vĩ đại.

Cần được khai thác xứng tầm

Luôn đau đáu với "pho sử vàng" nhiếp ảnh kháng chiến, trong nhiều năm qua, nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành đã miệt mài góp sức giữ gìn và lan tỏa ký ức thời chiến. Ông từng dốc tâm biên soạn nhiều cuốn sách ảnh như Ký ức chiến tranh (Chu Chí Thành), Việt Nam trong ánh chớp lửa đạn (Lương Nghĩa Dũng), Ký ức những con đường trong chiến tranh (Văn Sắc), hay Sống mãi những tấm ảnh để lại - tập hợp hình ảnh của các liệt sĩ, phóng viên ảnh của TTXVN. Với ông, đó là cách để tri ân đồng đội, và cũng là một nỗ lực để "kho vàng tư liệu" ấy không bị mai một theo thời gian.

"Pho sử vàng" nhiếp ảnh kháng chiến - Ảnh 7.

Phi công tù binh Mỹ Norris Alphonzo Charles được vợ đón tại lễ phóng thích tại Hà Nội ngày 17-9-1972. Ảnh: Chu Chí Thành

Thế nhưng, ông Thành thẳng thắn nhìn nhận: công tác lưu trữ và phát huy giá trị lịch sử của kho ảnh chiến tranh hiện vẫn còn nhiều hạn chế, chưa khai thác xứng tầm.

Dù đã có sách ảnh, triển lãm, hay một số ấn phẩm đưa ra quốc tế, nhưng theo ông, vẫn mới là bước đầu. "Chúng ta còn thiếu một chiến lược bài bản, chuyên nghiệp để chuyển hóa kho tư liệu đó thành giá trị tinh thần và văn hóa lan tỏa rộng khắp".

Mặt khác, công tác lưu trữ, biên tập ở ta vẫn còn sơ khai. "Chúng ta mới chỉ "mang được vàng về", chứ chưa "đúc được thành trang sức". Mà muốn đúc được, phải có đội ngũ chuyên gia thực sự" - ông Thành bày tỏ.

"Pho sử vàng" nhiếp ảnh kháng chiến - Ảnh 8.

Tổ ảnh quân sự TTXVN. (Từ trái sang): Văn Bảo, Chu Chí Thành, Phạm Văn Hoạt, Nguyễn Xuân Lâm, Lương Nghĩa Dũng, Đinh Hữu Thứ

"Chưa kể, việc khai thác ảnh của ta hiện nay chủ yếu theo năm, theo chủ đề như nông nghiệp, công nghiệp, quân sự… Trong khi đó, còn một kênh rất quan trọng là kênh tác giả" - ông Thành phân tích - "Tác giả là người đi suốt một giai đoạn, phản ánh được chiều sâu và bối cảnh sống động của lịch sử. Ngoài kênh theo thời gian và chủ đề, nhất định phải phát triển kênh tác giả, nhưng hiện nay chúng ta chưa làm được điều đó".