Cô nhi viện, mái ấm tình thương, bệnh viện, viện dưỡng lão và trường học là những địa chỉ đỏ để các cầu thủ ngôi sao, các VĐV và HLV chuyên nghiệp tìm về.
Cho đi không cầu nhận lại, chúng ta có cơ hội để sẻ chia, giúp đỡ trong công tác xã hội với lòng trắc ẩn. Tại các trường học, trước có thể truyền đạt những kỹ năng cơ bản, sau là tìm các viên ngọc thô có năng khiếu thể thao, để mài giũa. Song trên tất cả là lan tỏa tình yêu, khơi gợi tinh thần tập luyện của các em, để ít nhất cũng có một cơ thể tráng kiện và xa hơn là kích thích sự phát triển của thể thao đỉnh cao.
Ngoài các trung tâm hay các lò đào tạo trẻ chuyên nghiệp, thì thể thao hay bóng đá học đường thực sự là mỏ vàng chưa được đầu tư và khai thác đúng mức. Trong quá khứ, không ít các VĐV và cầu thủ chuyên nghiệp bước ra từ cánh cổng nhà trường, ví như cựu tiền đạo ĐTQG và CLB Hải Phòng, Nguyễn Ngọc Thanh của trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ; cựu tiền đạo ĐTQG Nguyễn Hải Anh từ Đại học TDTT Thủ Đức..., nhưng đó chỉ là tự phát, nhỏ lẻ.
Chúng tôi tin rằng ở thời đại này, thời đại đổi mới, khi chính sách được mở ra với chiến lược bài bản, thì tiềm năng của thể thao học đường sẽ được đánh thức, vươn mình. Hãy bắt đầu bằng việc đưa các thần tượng bóng đá, bơi lội hay điền kinh, về các trường học.
"Năm 2012, khi ĐTQG tập trung ở Nha Trang, chuẩn bị cho kỳ ASEAN Cup trên đất Thái Lan, Ban huấn luyện đã quyết định tổ chức một trận cầu thiện nguyện trên sân 19/8, có sự tham gia của rất nhiều thành phần. Sau đó, tôi cùng với Tấn Tài và một số anh nhà báo tìm đến một cô nhi viện ở Ninh Hòa, nơi nuôi dưỡng các em nhỏ cơ nhỡ. Lần đầu tiên tôi đã rơi nước mắt", cựu tiền đạo ĐTQG, người hùng ASEAN Cup 2008, Nguyễn Quang Hải, chia sẻ.

Những giải đấu như U13 2025 khu vực phía Nam vừa kết thúc tại Thăng Long Sport là nguồn cung cấp tài năng cho bóng đá chuyên nghiệp. Ảnh: CCKM
Sau khi giải nghệ năm 2016, Quang Hải đã quyết định mở một Trung tâm bóng đá cộng đồng tại Nha Trang, để hy vọng có thể cất cánh ước mơ cho các em nhỏ ở độ tuổi con mình. Tiền đạo Nguyễn Lê Quang Khôi của U17 quốc gia và CLB BR-VT, con ruột của Quang Hải, chính là một sản phẩm của lớp bóng đá cộng đồng ấy. Hay ví như hàng chục cầu thủ trẻ của HAGL lên đội tuyển, cũng là được phát hiện từ giải bóng đá Thiếu niên - Nhi đồng tỉnh BR-VT, tranh Cúp BRT mỗi dịp Hè hàng năm.
Tại TP.HCM, nơi nở rộ các Trung tâm bóng đá cộng đồng lớn nhất nước, với Thăng Long Sport, Ngọc Hùng hay Phú Nhuận, cũng đã tiến cử rất nhiều tài năng trẻ cho các học viện bóng đá lớn.
"Với slogan và là kim chỉ nam hành động: Ươm mầm giấc mơ sân cỏ, chúng tôi chào đón tất cả các em có đam mê. Tại Thăng Long Sport, các em không chỉ được tập luyện, thi đấu bóng đá, mà còn được dạy các kỹ năng sống, tinh thần đoàn kết tập thể, tương thân tương ái", thầy Nguyễn Thành Nam chia sẻ.
Trong số các lớp năng khiếu, thì Thủ Đức là một trung tâm rất đặc biệt: Tất cả các em vào tập đều phải đi học văn hóa. Em nào chưa từng đến lớp, chưa từng được đi học chữ, thì các thầy sẽ cho đi học lại từ đầu, dù bất kỳ độ tuổi nào. Đó chính là sự nhân văn.
Người làm chuyên môn vẫn nhắc tới Nhật Bản và Hàn Quốc, xa hơn là Mỹ, như những cường quốc về thể thao học đường. Tại sao đất nước 100 triệu dân, với hơn phân nửa là công dân trẻ và ít nhất cũng 1/5 đang trong độ tuổi đi học, lại vô tình lãng phí nguồn tài nguyên bất tận ấy? Có thầy thì mới có trò, thầy giỏi thì trò hay, hãy đào tạo thầy trước khi đưa họ tìm về các trường học. Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay vậy!
Tags