Vovinam - Việt võ đạo tại châu Phi: Hành trình 40 năm lan tỏa

Thứ Sáu, 02/05/2025 16:38 GMT+7

Google News

Nhân kỷ niệm 40 năm phát triển Vovinam - Việt Võ Đạo tại Senegal, một giải đấu quốc tế long trọng đã được tổ chức tại Nhà thi đấu Marius Ndiaye. 

Sự kiện thu hút đông đảo khán giả, các võ sư quốc tế và đại diện đến từ nhiều quốc gia, trong đó có Tiến sĩ Phạm Quang Long – nguyên Phó Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Việt Nam, nguyên Chủ tịch Liên đoàn Vovinam TP Hà Nội. 

Vovinam - Việt võ đạo tại châu Phi: Hành trình 40 năm lan tỏa - Ảnh 1.

TS Phạm Quang Long trao quà lưu niệm cho bà Khady Diene Gaye – Bộ trưởng Bộ Thanh niên, Thể thao và Văn hóa Senegal

Ông là người góp công thành lập Liên đoàn Vovinam - Việt Võ Đạo Liên bang Nga năm 2000, từng giữ vai trò Giám đốc kỹ thuật đầu tiên của tổ chức này, và hiện là Chủ tịch Viện Khoa học Huấn luyện Võ thuật Việt Nam – thành viên của Tổng Liên đoàn Vovinam Việt Võ Đạo Thế giới.

Trong không khí náo nhiệt và đầy cảm xúc, Tiến sĩ Phạm Quang Long đã dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện đặc biệt, chia sẻ những suy nghĩ sâu sắc và niềm xúc động trước sự phát triển kỳ diệu của Vovinam tại châu Phi lục địa tưởng chừng xa xôi nhưng lại đầy gần gũi với tinh thần võ đạo Việt Nam.

Thưa Tiến sĩ Phạm Quang Long, ông có thể chia sẻ cảm xúc của mình khi đại diện Việt Nam tham dự sự kiện kỷ niệm 40 năm phát triển Vovinam tại Senegal – một quốc gia châu Phi tuy xa về địa lý nhưng lại giàu nghĩa tình với môn phái Vovinam?

+ TS. Phạm Quang Long: Đứng giữa Nhà thi đấu Marius Ndiaye tại Dakar, chứng kiến hàng ngàn khán giả vỗ tay cổ vũ cho những đòn thế Vovinam – môn võ do người Việt sáng lập tôi thực sự xúc động. Là người gắn bó với Vovinam suốt hơn 40 năm, từng lăn lộn phát triển phong trào tại miền Bắc Việt Nam trong những ngày đầu gian khó, tôi chưa từng nghĩ sẽ có ngày được chứng kiến ngọn cờ Vovinam tung bay kiêu hãnh giữa lòng châu Phi như thế.

Senegal không chỉ học Vovinam, họ sống cùng nó. Họ rèn luyện với niềm đam mê, trân quý môn võ này như một di sản văn hóa mà Việt Nam gửi gắm. Tôi đã gặp những võ sư châu Phi nói tiếng Việt lơ lớ, nhưng ánh mắt họ rạng ngời khi nhắc đến võ sư sáng tổ Nguyễn Lộc hay võ sư Trần Nguyên Đạo. Đó chính là minh chứng sống động cho sức sống mãnh liệt và sức lan tỏa của văn hóa Việt thông qua võ thuật.

 Ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong hệ thống tổ chức Vovinam Việt Nam và hiện là Chủ tịch Viện Khoa học Huấn luyện Võ thuật Việt Nam – thành viên của Tổng Liên đoàn Vovinam Thế giới. Theo ông, sự kiện lần này mang ý nghĩa như thế nào?

+ Sự kiện kỷ niệm 40 năm Vovinam tại Senegal không chỉ là một giải đấu quốc tế, mà còn là cột mốc quan trọng trên hành trình hội nhập và khẳng định bản sắc văn hóa Việt Nam. Vovinam không đi ra thế giới như một công cụ, mà là một lời chào thân thiện, một chiếc cầu nối giữa các dân tộc.

Với vai trò đại diện Viện Khoa học Huấn luyện Võ thuật Việt Nam, tôi càng nhận thức rõ tầm quan trọng của nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao chuẩn mực võ học trong quá trình phát triển quốc tế. Chúng ta không thể đưa võ thuật vươn xa nếu thiếu nền tảng học thuật vững chắc và chiến lược dài hạn. Senegal – với Hội đồng Võ sư Quốc gia và hơn 10 võ sư cấp quốc tế là hình mẫu cho mô hình phát triển phong trào võ thuật bền vững mà Việt Nam có thể học hỏi.

Vovinam - Việt võ đạo tại châu Phi: Hành trình 40 năm lan tỏa - Ảnh 2.

Các đoàn quốc tế dự lễ kỷ niệm 40 năm Vovinam tại Senegal

Theo ông, Việt Nam cần làm gì để phát huy hơn nữa vai trò đầu tàu trong phong trào Vovinam toàn cầu?

+ Chúng ta cần chủ động hơn trong việc thiết lập các chương trình hỗ trợ phát triển phong trào quốc tế – từ biên soạn giáo trình, tổ chức tập huấn huấn luyện viên, đến xây dựng hệ thống thi đấu, kiểm tra, đánh giá. Đồng thời, việc gìn giữ giá trị cốt lõi của môn phái – "Sống, để tha thứ và yêu thương" là điều tối quan trọng trong bối cảnh thế giới nhiều biến động.

Vovinam - Việt võ đạo tại châu Phi: Hành trình 40 năm lan tỏa - Ảnh 3.

Các đại biểu quốc tế tại Senegal

Tôi cũng đề xuất thành lập các trung tâm huấn luyện quốc tế tại Việt Nam để đón tiếp các võ sư, huấn luyện viên nước ngoài sang đào tạo. Viện Khoa học Huấn luyện Võ thuật Việt Nam sẵn sàng đóng vai trò cầu nối, phối hợp cùng Tổng Liên đoàn Vovinam Thế giới thực hiện nhiệm vụ này. Việt Nam cần trở thành cái nôi không chỉ của kỹ thuật, mà còn là trung tâm của triết lý và đạo đức võ đạo toàn cầu.

Vovinam - Việt võ đạo tại châu Phi: Hành trình 40 năm lan tỏa - Ảnh 4.

Các HLV, VĐV Việt võ đạo đến từ Việt Nam

Xin cảm ơn ông!

Sự kiện kỷ niệm 40 năm phát triển Vovinam tại Senegal do Ủy ban Quốc gia Senegal Quản lý Vovinam – Việt Võ Đạo (CNG) tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ Thanh niên, Thể thao và Văn hóa Senegal, phối hợp với các cơ quan cấp cao như Bộ Nội vụ, Ủy ban Olympic Quốc gia Senegal và Văn phòng Tổng thống.

Đây là sự kiện quốc tế quan trọng của phong trào Vovinam châu Phi, với sự tham gia của nhiều đoàn quốc tế như Pháp, Bỉ, Việt Nam, Tunisia, Burkina Faso, Mauritania, Togo, Niger, Mali và nhiều quốc gia khác minh chứng cho sức lan tỏa mạnh mẽ của Vovinam – Việt Võ Đạo trên toàn cầu.

Vũ Thùy Linh (từ Dakar, Senegal)/Ảnh: BTC

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›